Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật đạt giải Nhì "Giải thưởng tài năng Lương Văn Can năm 2017"

Xuất phát cùng hơn một ngàn sinh viên tham gia thi vòng 1 Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017, nằm trong số 69 thí sinh (TS) về đích giai đoạn 1, rồi trở thành chủ nhân của một trong 27 đề án kinh doanh được trình bày trước các doanh nhân, nay họ là những người cuối cùng tham gia vòng chung kết cuộc thi.

Vòng chung kết GTTNLVC 2017 diễn ra ngày 20/10/2017, với phần thi thuyết trình bảo vệ đề án kinh doanh trước Hội đồng giám khảo là các doanh nhân, chuyên gia và người làm công tác giảng dạy. Phần thưởng dành cho TS đoạt giải nhất là 100 triệu đồng, các giải nhì và ba lần lượt 50 và 30 triệu đồng, cùng học bổng khóa học tiếng Anh và marketing.

Không chỉ thế, sự tham dự của các nhà đầu tư tại vòng thi này sẽ đem lại cho TS cơ hội mà bất cứ người khởi nghiệp trẻ nào cũng mong có được, đó là gọi vốn. Bên cạnh sự hỗ trợ tối đa từ Ban tổ chức và các cá nhân, tổ chức đồng hành cùng chương trình GTTNLVC của Báo Doanh Nhân Sài Gòn, với khả năng sáng tạo cùng sự nỗ lực lao động và học tập, họ xứng đáng nhận được những phần thưởng và cơ hội ấy.

Ngô Ngọc Anh – sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Luật ĐHQG-HCM. Ảnh: Quý Hòa

Ngô Ngọc Anh cho biết, dùng sen làm nhang là dự án đã ấp ủ gần 2 năm với mong muốn đưa thương hiệu sen Đồng Tháp đến gần với người tiêu dùng hơn, đồng thời góp phần phát triển kinh tế địa phương. Với suy nghĩ “những điều xuất phát từ tâm sẽ chạm đến trái tim của người khác”, Ngọc Anh tự tin đề án của mình có lợi thế khi chú trọng đến tính xã hội.

Một phần nguyên liệu sản xuất nhang sen được lấy từ vỏ của cây sen, đảm bảo nguyên liệu có nguồn gốc an toàn cho sức khỏe người dùng, đồng thời có giá cạnh tranh so với những thương hiệu nhang thuộc phân khúc tầm trung. Yếu tố thứ hai là sản phẩm sẽ đóng góp vào chuỗi giá trị sen Đồng Tháp. “Từ một phế phẩm được nâng lên thành sản phẩm tiêu dùng phổ biến sẽ giúp nâng cao giá trị cho cây sen”, Ngọc Anh phân tích.

Phân tích về những rủi ro có thể xảy đến trong quá trình triển khai, Ngọc Anh tự tin sẽ thuyết phục được các giám khảo cũng như thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

Trước đó, đề án này đã lọt vào vòng 3 GTTNLVC 2016, nhưng Ngọc Anh xin bảo lưu để thi vào năm nay. Tham gia 2 mùa giải, Ngọc Anh cho biết formart chương trình có nhiều thay đổi tích cực. Điểm chung của 2 mùa giải là Ban tổ chức và các giám khảo rất chú trọng bồi dưỡng thí sinh, không chỉ trong khuôn khổ cuộc thi mà còn đưa ra những hướng dẫn khi khởi nghiệp thực tế. Đối với Ngọc Anh, cuộc thi còn là cầu nối các tài năng trẻ có tinh thần khởi nghiệp và tạo cơ hội cho những người trẻ gặp gỡ, kết nối với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, việc được tham gia Học kỳ doanh nghiệp – 2 ngày trải nghiệm quy trình làm việc thực tế tại một khách sạn 5 sao khiến Ngọc Anh rất phấn khích, bởi đối với một người đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp thì việc được Tổng giám đốc và các quản lý của Khách sạn REX trực tiếp hướng dẫn là điều “trong mơ”.

Phan Thị Kiều Trang và Đinh Phương Linh – sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM. Ảnh: VY KHÁNH

Đồng tác giả đề án sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng từ cây ngải cứu (Herbs For Health), đem đến cuộc thi ước mơ dùng cây ngải cứu để chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, Kiều Trang chia sẻ, 2 bạn biết đến cuộc thi GTTNLVC 2017 từ những bài báo về cuộc thi các năm trước.

Cả hai từng tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp với mục đích trau dồi kiến thức, có thêm kinh nghiệm xây dựng đề án kinh doanh cũng như cải thiện kỹ năng thuyết trình. Có lẽ nhờ trải nghiệm ở nhiều cuộc thi trước nên phần trình bày của Kiều Trang và Phương Linh tạo được ấn tượng đẹp với Ban giám khảo vòng 3 GTTNLVC 2017 với phong thái tự tin, diễn đạt mạch lạc.

Học bổng 100 triệu đồng là phần thưởng mà Linh và Trang muốn “chạm vào” khi tham gia cuộc thi, nhưng điều mà các bạn mong và đã nhận được nhiều hơn là những góp ý, đánh giá của ban giám khảo về đề án – những kiến thức rất khó có được khi chưa va chạm thực tế và cũng không tìm được trong sách vở.

Kiều Trang cho biết, dù đã có nhiều tiến bộ so với những lần mang đề án, ý tưởng tham gia các cuộc thi trước đó, nhưng cả hai đều ngỡ ngàng khi được nghe những góp ý từ giám khảo chương trình GTTNLVC. Ví dụ, khi đưa sản phẩm mẫu đến trình bày, nhóm đã được giám khảo khen có ý tưởng tốt, thiết kế bắt mắt nhưng vẫn chưa tiện lợi cho người dùng. Các giám khảo còn giúp Linh và Trang “vỡ” ra rằng cần có sự phân công lao động rõ ràng cho đồng nghiệp và mức lương hợp lý cho nhân sự.

Trang nhớ lại, kể cả khi bị giám khảo đặt câu hỏi hóc búa hay bị chỉ ra những chỗ tính toán sai, dùng từ ngữ chưa chính xác, cả hai vẫn cảm nhận được tình cảm chân thành từ phía các doanh nhân. Họ không giống những người đánh giá bài thi để cho điểm, mà như những người thầy dẫn dắt và chỉ bảo để học trò hoàn thiện đề án. “Sau khi trình bày, nhận được đánh giá từ ban giám khảo, em thấy tự tin hơn chứ không lo ngại. Chúng em cũng nhìn rõ hướng đi sắp đến để phát huy điểm mạnh và khắc phục những thiếu sót”, Trang chia sẻ.

Trần Thị Huế – sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: CẨM LÊ

Với mong muốn hiện thực hóa ý tưởng chăm sóc sức khỏe và cân bằng tinh thần cho người Việt bằng những sản phẩm thiên nhiên, thí sinh Trần Thị Huế mang đến cuộc thi GTTNLVC 2017 đề án “Vườn hoa thơm cỏ lạ”. Huế bày tỏ tham vọng muốn góp phần tiêu thụ nguyên liệu cho bà con nông dân bên cạnh việc tạo ra một không gian sống ngập tràn hơi thở thiên nhiên.

Cụ thể, mỗi loại tinh dầu của “Vườn hoa thơm cỏ lạ” đều mang đặc trưng vùng miền, chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu, đều được kiểm nghiệm, phân tích và chứng minh 100% hữu cơ. Vốn có chuyên môn về kỹ thuật chứ không có nhiều kiến thức về kinh tế, Huế tự nhận, đây có thể là điểm yếu nhưng cũng là điểm mạnh, vì những gì được thể hiện trong đề án là trải nghiệm thực tế và tầm nhìn phát triển sản phẩm dựa trên sự tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường.

Đề án “Vườn hoa thơm cỏ lạ” đã được kiểm nghiệm trên thị trường từ tháng 6 vừa qua tại Hà Nội, đem về cho Huế 30 triệu đồng/tháng. Đang trong quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ, “Vườn hoa thơm cỏ lạ” đã tìm được nhà đầu tư và đang thiết kế một showroom tại Hà Nội.

Huế đã nhận được nhiều góp ý của các giám khảo về phân tích thị trường và cách tăng tính sáng tạo cho sản phẩm, đặc biệt là phần tư vấn về chiến lược marketing và cách giải bài toán tài chính. Có giám khảo còn nhận xét, trong tương lai, “Vườn hoa thơm cỏ lạ” hoàn toàn có cơ hội trở thành “Top Of Mind” trong ngành này. Vấn đề hiện tại nằm ở yếu tố thời gian và chiến lược kinh doanh.

Trước khi bước vào cuộc thi đầy cam go tại Vòng chung kết GTTNLVC 2017, Huế tự nhủ phải làm hết khả năng và đặt mục tiêu giành được giải thưởng cao nhất. “Đây không chỉ là vấn đề có được giải hay không của riêng em nữa mà còn là tương lai của “Vườn hoa thơm cỏ lạ” và là minh chứng cho sự nỗ lực của cả “gia đình Hoa thơm cỏ lạ” với nhà đầu tư và thị trường. GTTNLVC cũng sẽ là bước khởi đầu vững chắc, tạo đà để “Hoa thơm cỏ lạ” đứng vững trên thị trường sau này”, Huế chia sẻ về quyết tâm dành cho đề án.

Kết quả chung cuộc:

1. Giải nhất: bạn Trần Thị Huế, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

2. Giải nhì: bạn Ngô Ngọc Anh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM

3. Giải ba: nhóm bạn Phan Thị Kiều Trang và Đinh Phương Linh , sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

Sinh viên Ngô Ngọc Anh, Trường ĐH Kinh tế - Luật trình bày đề án
3 nhóm tham gia phản biện

Ngô Ngọc Anh nhận giải Nhì cuộc thi

Ban Tổ chức trao giải cuộc thi

Nguồn: http://luongvancan.doanhnhansaigon.vn và UEL