Đoàn công tác của Trường đến thăm, làm việc với các đơn vị khoa học, đào tạo và tìm hiểu thực tế tại Liên bang Nga

Trong thời gian từ 13/9 đến 19/9/2019, đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM do PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường làm trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Nga (FEB-RAS); Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow – Lomonosov (MGU); Trường Banking University - Ukraine và tìm hiểu thực tế các địa danh gắn với lịch sử tại Liên bang Nga.

1. Làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga: Tiếp Đoàn của Trường Đại học Kinh tế - Luật, về phía Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga có GS.TS Vladimir M.Mazirin, Viện trưởng và TS Evgeny V. Kobelev chuyên gia về Việt Nam và Hồ Chí Minh học cùng các sinh viên của Khoa Việt Nam học thuộc Viện Viễn Đông. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi các thông tin về hoạt động của hai đơn vị và tìm hiểu cơ hội hợp tác trong tương lai. Phía Viện Viễn Đông đã giới thiệu và tặng cho Trường Đại học Kinh tế - Luật nhiều công trình nghiên cứu được xuất bản thành sách có giá trị khoa học và lịch sử rất lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Việt Nam và ASEAN.


Đoàn công tác đến làm việc tại Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga

Đặc biệt, tại buổi làm việc Viện trưởng Viện Viễn Đông đã giới thiệu cho đoàn của Trường Đại học Kinh tế - Luật tạp chí “Nghiên cứu Việt Nam” do Viện xuất bản định kỳ hàng quý. Tạp chí “Nghiên cứu Việt Nam” dành khoảng 50% số trang cho các nhà nghiên cứu Việt Nam, bài viết có thể thực hiện bằng tiếng Nga hoặc bằng tiếng Việt. Các giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật có thể đăng các bài báo quốc tế trên tạp chí này. Các thành viên trong đoàn cũng đã được nghe TS Evgeny V. Kobelev kể về những kỷ niệm xúc động của mình trong những năm tháng có dịp làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là phiên dịch của Người tại các đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô và Quốc tế Cộng sản.


Đại diện hai đơn vị tại buổi làm việc

Lãnh đạo hai đơn vị trao đổi các nội dung và khả năng hợp tác

Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đại diện cho đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế - Luật cảm ơn Viện trưởng Viện Viễn Đông, GS.TS Vladimir M. Mazirin và TS Evgeny V. Kobelev đã dành thời gian tiếp đoàn và bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đăng tải bài báo khoa học và xuất bản, tạo điều kiện để trao đổi giảng viên, sinh viên trong thời gian tới. 


TS E.Kobelev đại diện Viện Viễn Đông gửi tặng sách đến Nhà trường

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng gửi tặng quà lưu niệm đến Viện trưởng tại buổi làm việc

2. Làm việc tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow – Lomonosov (MGU): 

Đại diện đoàn của Trường Đại học Kinh tế - Luật gồm: PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Văn Luân, Nguyên Hiệu trưởng; PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng; TS Huỳnh Thị Thuý Giang, Trưởng Khoa Kinh tế đối ngoại; PGS.TS Lê Vũ Nam, Trưởng Khoa Luật; PGS.TS Dương Anh Sơn, Trưởng Khoa Luật Kinh tế đã có buổi làm việc với Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva mang tên Lomonosov (MGU). Về phía Khoa Luật MGU có GS.TSKH Aleksandr K. Golichenkov, Trưởng Khoa Luật; GS.TS Andrei M. Chetvertkov, Trưởng Phòng hợp tác quốc tế; GS.TS Kuchma Kichik, Trưởng Bộ phận nghiên cứu pháp luật quốc tế và mua sắm công.


Lãnh đạo Trường làm việc với lãnh đạo Khoa Luật – MGU

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế - Luật đã được giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Khoa Luật MGU, tham quan mô hình tổ chức các hoạt động sinh hoạt sinh viên như: hoạt động diễn án (moot court), thư viện, giảng đường, hoạt động thể thao,… Hai bên đã trao đổi về khả năng hợp tác trong tương lai như: tổ chức hội thảo, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên…Được biết, MGU hiện đang được Tạp chí The Times Highet Education của Anh Quốc xếp hạng thứ 189 trong top các trường đại học tốt nhất thế giới và đứng thứ 84 theo bảng xếp hạng của QS University Rankings và Khoa Luật MGU là một trong những địa chỉ đào tạo luật hàng đầu của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay


Chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Khoa Luật – MGU


3. Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Trường Banking University – Ukraine: PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng đại diện Trường ĐH Kinh tế - Luật đã đến làm việc với GS.TS Oleksandr Baranovskyy - Phó Hiệu trưởng và GS.TS Nataliya Shvets - Giám đốc Viện Công nghệ ngân hàng và kinh doanh Banking University - Ukraine đồng thời ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị.


PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh và GS.TS Oleksandr Baranovskyy ký bản ghi nhớ hợp tác

Nội dung làm việc và MOU giữa hai đơn vị là hợp tác trong nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên và những kinh nghiệm quản trị đại học trong bối cảnh phát triển công nghệ. Cụ thể:

       + Hợp tác trong lĩnh vực trao đổi giảng viên: tham gia giảng dạy/nghiên cứu các chủ đề liên quan đến công nghệ ngân hàng, chính sách tiền tệ, quản trị ngân hàng trung ương, ngân hàng số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn được sử dụng trong ngân hàng.

    + Trao đổi sinh viên: tham gia đào tạo, thực tập, chương trình trao đổi học bổng.

    + Tổ chức chương trình cử nhân song phương (3 + 1 và 2 + 2) và các chương trình văn bằng thạc sĩ.

      + Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và công bố quốc tế: các vấn đề liên quan đến công nghệ ngân hàng, chính sách tiền tệ trong nền kinh tế chuyển đổi, quản trị ngân hàng trung ương, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.

    + Hợp tác tổ chức các hội nghị và hội thảo khoa học chung.

  + Các hoạt động giao lưu văn hoá.

  + Phối hợp tham gia vào các dự án liên quan đến giáo dục, nghiên cứu và phát triển do bên kia tổ chức với tư cách là đối tác của dự án.

        + Thúc đẩy các hoạt động hợp tác khác được hai bên đồng ý.


Trường tặng quà lưu niệm gửi đến đối tác

4. Tham quan thực tế các địa danh lịch sử tại Nga: Trong chuyến công tác, ngoài các nội dung làm việc với các đối tác và trường đại học, đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế - Luật đã đi thực tế các địa điểm gắn với lịch sử tại hai thành phố lớn của Nga là Moscow và Saint Petersburg.

Tượng Karl Marx ở Moscow: Các Mác là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại của thế giới. Những tư tưởng của ông góp phần làm thay đổi tư duy của những dân tộc chịu áp bức, từ đó giúp họ đứng lên giành lại độc lập và thoát ra cảnh lầm than. Ông đã cùng với Friedrich Engels mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại là những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học có tác động to lớn và sâu rộng đối với nhân loại tiến bộ.



Lăng Lênin ở Quảng trường Đỏ - Moscow: Mỗi một công trình tại khu vực Quảng trường Đỏ đều có thể coi là huyền thoại. Một trong số đó là Lăng Lênin - nơi bảo quản và lưu giữ thi hài của Vladimir Ilyich Lenin, qua đời vào năm 1924. Lăng là công trình xây dựng mới nhất tại trung tâm Quảng trường Đỏ tại thủ đô Moscow của Nga. Lênin là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của K. Marx và Ph. Engels. Ông là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản, đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười Nga, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo (7/11/1917). Ông là trong 100 người có ảnh hưởng nhất đến toàn thế giới



Quảng trường Hồ Chí Minh ở Thủ đô Matxcơva
: Quảng trường với bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới là câu nói nổi tiếng của Người bằng Tiếng Nga: "KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO". Tượng đài được Chính phủ và nhân dân Liên Xô dựng từ thập niên 80 thế kỷ trước, đặt trang trọng tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế - Luật đã đến đặt hoa tưởng niệm Người tại Quảng trường.



Ý tưởng và cấu trúc của tác phẩm điêu khắc này thật độc đáo, không giống với những tượng đài khác. Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đang mỉm cười, được khắc nổi trên tấm đồng hình tròn khổng lồ, cùng hình tượng chàng trai Việt Nam đang ở tư thế chuẩn bị bật dậy và cây tre - hình ảnh thân thuộc đối với tất cả người Việt, đã được biết tới ở Nga và nhiều người dân Thủ đô Matxcơva. Để bức phù điêu Hồ Chí Minh được công chúng tiếp nhận như một tác phẩm điêu khắc độc nhất vô nhị, tác giả V.Tsigal đã gửi gắm vào tác phẩm tình cảm và tư duy của ông về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ đã được UNESCO công nhận là anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn. Vòng tròn là hình tượng mặt trời của Việt Nam, tiềm ẩn mơ ước về một nước Việt Nam với tương lai tươi sáng. Phía sau là hai cây tre uốn cong, dường như chúng đang cố gắng gồng mình chống chọi với bão táp. Cây tre là loài cây đặc trưng của Việt Nam, nó có thể bị uốn cong, nhưng khó bị bẻ gãy, giống như ý chí và sức mạnh Việt Nam. Chàng trai Việt Nam trong tác phẩm là một chàng trai khỏe mạnh, đang trong tư thế chuẩn bị xuất phát trên con đường hướng tới tương lai, như muốn nói Việt Nam đang vươn mình đi lên xây dựng tương lai no ấm trong hòa bình. Không chỉ bức phù điêu bằng đồng khổng lồ mang ý nghĩa sâu xa, mà cả bệ đá hoa cương mà bức phù điêu trụ trên đó cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Theo tác giả, 8 bậc đá hoa cương mang ý nghĩa tượng trưng cho những cánh hoa sen - loài hoa được người Việt Nam coi là biểu tượng của sự thanh tao, trong sáng
   

Chiến hạm Rạng Đông huyền thoại: Trong lịch sử nhân loại, có thể khẳng định rằng, chưa có con tàu nào được mọi người biết, nhắc và nhớ đến nhiều như chiến hạm Rạng Đông. Chiến hạm Rạng Đông (Avrora) hay còn gọi là tuần dương hạm Rạng Đông là chiến hạm số 1 của Nga, được đóng tại xưởng đóng tàu New Admiralty ở Saint Petersburg. Ngày 24-5-1900 (ngày 11-5 theo lịch cũ Julius của Nga), chiến hạm Rạng Đông được hạ thủy lần đầu tiên dưới sự chứng kiến của Sa hoàng Nicholas II. Lúc 21 giờ 45 phút ngày 25-10-1917 tức ngày 7-11 (theo lịch hiện đại), phát súng lệnh được bắn ra từ khẩu pháo trước mũi của tuần dương hạm Rạng Đông là hiệu lệnh cho cuộc tấn công vào Cung điện Mùa Đông. Tới 2 giờ 10 phút, ngày 26-10-1917 (8-11), lực lượng công nhân vũ trang, chiến sĩ đồn trú tại Petrograd, các thủy thủ của Hạm đội Baltic đã chiếm được Cung điện Mùa Đông. Cũng ngay trong đêm 25-10-1917, Ðại hội các Xô Viết toàn Nga lần thứ II khai mạc. Ðại hội thông qua lời kêu gọi "Gửi công nhân, binh lính và nông dân" do V.I.Lênin dự thảo. Kể từ đó, ngày 25-10 (7-11) đã trở thành thời khắc lịch sử khiến cho chiến hạm Rạng Đông trở thành một biểu tượng của Cách mạng Tháng Mười Nga.



Kết thúc chuyến công tác, Trường ĐH Kinh tế - Luật sẽ tiếp tục triển khai những nội dung gắn với các thoả thuận và những cơ hội, tiềm năng hợp tác với các trường đại học, đối tác tại Nga, Ucraine trong thời gian tới./. 


Tổ công tác tổng hợp và đưa tin.