Quyết định số 87/2005/QĐ-BTC về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam

HỆ THỐNG
CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN VIỆT NAM

CHUẨN MỰC

ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN

(Ban hành và công bố theo Quyết định số 87/2005/QĐ-BTC

ngày 01/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

 

QUY ĐỊNH CHUNG

  1. Mục đích của Chuẩn mực này là quy định các nguyên tắc, nội dung và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề kế toán, kiểm toán viên hành nghề và người làm kế toán, kiểm toán trong các doanh nghiệp và tổ chức nhằm đảm bảo đạt được những tiêu chuẩn cao nhất về trình độ chuyên môn, về mức độ hoạt động và đáp ứng được sự quan tâm ngày càng cao của công chúng. Chuẩn mực này đặt ra bốn yêu cầu cơ bản sau:

a)    Sự tín nhiệm: Nâng cao sự tín nhiệm của xã hội đối với hệ thống thông tin của kế toán và kiểm toán;

b)    Tính chuyên nghiệp: Tạo lập sự công nhận của chủ doanh nghiệp, tổ chức, khách hàng và các bên liên quan về tính chuyên nghiệp của người làm kế toán và người làm kiểm toán, đặc biệt là người hành nghề kế toán và kiểm toán viên hành nghề;

c)    Chất lượng dịch vụ: Đảm bảo chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán đạt được các chuẩn mực cao nhất;

d)    Sự tin cậy: Tạo ra sự tin cậy của người sử dụng dịch vụ kế toán, kiểm toán về khả năng chi phối của chuẩn mực đạo đức đối với việc cung cấp các dịch vụ đó.

  1. Nội dung của Chuẩn mực này quy định mục đích, các nguyên tắc đạo đức cơ bản; tiêu chuẩn đạo đức áp dụng chung cho tất cả những người làm kế toán và người làm kiểm toán; tiêu chuẩn đạo đức áp dụng riêng cho kiểm toán viên hành nghề, nhóm kiểm toán và công ty kiểm toán; tiêu chuẩn đạo đức áp dụng cho người có Chứng chỉ kiểm toán viên hoặc Chứng chỉ hành nghề kế toán làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức.
  2. Chuẩn mực này áp dụng cho tất cả người làm kế toán và người làm kiểm toán, gồm:

a)    Người làm kế toán, làm kế toán trưởng, làm kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp và các đơn vị kế toán nhà nước;

b)    Những người có Chứng chỉ kiểm toán viên hoặc Chứng chỉ hành nghề kế toán đang làm kế toán, làm kế toán trưởng, kiểm toán nội bộ, chủ doanh nghiệp hoặc công việc khác trong các doanh nghiệp, tổ chức;

c)    Người có Chứng chỉ kiểm toán viên hoặc Chứng chỉ hành nghề kế toán đang đăng ký hành nghề trong các doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán;

d)    Doanh nghiệp kế toán, kiểm toán phải thực hiện các quy định của Chuẩn mực này trong suốt quá trình hoạt động.

Người làm kế toán và người làm kiểm toán trong các lĩnh vực khác cũng phải áp dụng các quy định của Chuẩn mực này trong quá trình hoạt động nghề nghiệp. Phạm vi áp dụng Chuẩn mực này cho từng đối tượng được quy định cụ thể trong phần "Nội dung Chuẩn mực".

  1. Đơn vị được cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, các doanh nghiệp và tổ chức sử dụng người làm kế toán, người làm kiểm toán, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác kế toán và kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán này để lựa chọn và sử dụng người làm kế toán, làm kiểm toán hoặc cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán và để có cơ sở sử dụng thông tin kế toán, kiểm toán và phối hợp trong hoạt động nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

Các thuật ngữ trong Chuẩn mực này được hiểu như sau:

  1. Báo cáo tài chính: Là các báo cáo được lập theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán hiện hành phản ánh các thông tin kinh tế, tài chính chủ yếu của đơn vị kế toán. Báo cáo tài chính gồm: Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh báo cáo tài chính.
  2. Các bên liên quan: Các bên được coi là liên quan nếu một bên có khả năng kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể đối với bên kia trong việc ra quyết định tài chính và hoạt động.

Các bên có liên quan là bên có một trong các mối quan hệ sau với khách hàng:

a)    Có sự kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp đối với khách hàng với điều kiện khách hàng có tính trọng yếu đối với bên đó;

b)    Có lợi ích tài chính trực tiếp trong khách hàng với điều kiện là bên đó có ảnh hưởng đáng kể đến khách hàng và lợi ích trong khách hàng là trọng yếu đối với bên đó;

c)    Bên mà khách hàng có sự kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp;

d)    Bên mà khách hàng hoặc một tổ chức liên quan đến khách hàng theo mục (c) nói trên có lợi ích tài chính trực tiếp tạo ra ảnh hưởng đáng kể đối với tổ chức này và lợi ích tài chính đó là trọng yếu đối với khách hàng và tổ chức liên quan đến khách hàng theo mục (c).

  1. Công khai: Là công bố thông tin cho công chúng về người hành nghề kế toán và kiểm toán viên hành nghề, nhưng không nhằm mục đích quảng cáo cho người đó.
  2. Công ty kiểm toán: Là một tổ chức có thể gồm:

a) Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật (như công ty kiểm toán A, công ty kiểm toán B có tư cách pháp nhân độc lập); và

b) Một tổ chức kiểm soát các đơn vị nêu ở điểm (a) (như Tổng công ty, công ty mẹ); hoặc/ và

c) Một tổ chức chịu sự kiểm soát của các đơn vị nêu ở điểm (a) (như chi nhánh công ty, văn phòng đại diện).

- Doanh nghiệp kế toán, kiểm toán: Là một doanh nghiệp, công ty chuyên cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán và các dịch vụ chuyên nghiệp khác cho công chúng.

  1. Chi nhánh: Là đơn vị riêng biệt cấp dưới công ty, được tổ chức theo vị trí địa lý hay lĩnh vực cung cấp dịch vụ.
  2. Dịch vụ kế toán, kiểm toán: Là các dịch vụ đòi hỏi chuyên môn kế toán, kiểm toán hoặc các kỹ năng có liên quan, do một người hành nghề kế toán hoặc kiểm toán viên hành nghề thực hiện, gồm dịch vụ kế toán, kiểm toán, thuế, tư vấn quản lý và các dịch vụ tư vấn khác.
  3. Đơn vị niêm yết: Là đơn vị có chứng khoán được niêm yết chính thức trên sàn giao dịch chứng khoán, hoặc được mua, bán theo quy định của sàn giao dịch hoặc các tổ chức tương đương như: công ty cổ phần, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đăng ký giao dịch chứng khoán.
  4. Đáng kể (Trọng yếu): Là thuật ngữ dùng để thể hiện tầm quan trọng của một thông tin, một số liệu mà nếu thiếu hoặc không có thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến quyết định của người có liên quan. Thông tin đáng kể thể hiện về số lượng hoặc bản chất của thông tin.
  5. Giám đốc (Thành viên Ban Giám đốc): Là những người có trách nhiệm về quản trị công ty (kể cả các chức danh khác có trách nhiệm quản trị công ty).

- Giám đốc phụ trách hợp đồng đảm bảo (Hợp đồng kiểm toán): Là người chịu trách nhiệm chính trong hai người chịu trách nhiệm ký Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính hoặc báo cáo tài chính hợp nhất của khách hàng kiểm toán, và cũng có thể chịu trách nhiệm ký Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính các cấu phần của báo cáo tài chính hợp nhất nếu yêu cầu phát hành một Báo cáo kiểm toán độc lập.

  1. Hợp đồng kiểm toán (Hợp đồng đảm bảo): Là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp kiểm toán với khách hàng về các điều khoản và điều kiện thực hiện kiểm toán, trong đó xác định mục tiêu, phạm vi kiểm toán, quyền và trách nhiệm của mỗi bên, hình thức báo cáo kiểm toán, thời gian thực hiện, các điều khoản về phí, về xử lý khi tranh chấp hợp đồng. Hợp đồng kiểm toán là hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán. Dịch vụ kiểm toán là dịch vụ cung cấp một mức độ đảm bảo cao về việc các báo cáo tài chính không còn chứa đựng các sai sót trọng yếu hoặc nếu còn sai sót trọng yếu thì đã được phát hiện. Hợp đồng kiểm toán là một loại hợp đồng đảm bảo.
    1. Hợp đồng đảm bảo (Dịch vụ đảm bảo): Là hợp đồng dịch vụ, theo đó kiểm toán viên hành nghề đưa ra ý kiến kết luận nhằm nâng cao mức độ tin cậy của người sử dụng thông tin. Hợp đồng đảm bảo được thực hiện để cung cấp:

a)    Sự đảm bảo ở mức độ cao các vấn đề phù hợp với các tiêu chuẩn được đặt ra từ trước xét trên các khía cạnh trọng yếu; hoặc

b)    Sự đảm bảo ở mức độ vừa phải các vấn đề hợp lý trong các trường hợp cụ thể.

Hợp đồng đảm bảo bao gồm hợp đồng tuân thủ các Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế chung về hoạt động đảm bảo, do Bộ Tài chính ban hành, hoặc tuân thủ các chuẩn mực cụ thể về hợp đồng đảm bảo do Bộ Tài chính ban hành, ví dụ cuộc kiểm toán báo cáo tài chính hoặc soát xét báo cáo tài chính theo các Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam.

  1. Kế toán viên (Người làm kế toán): Là những người của doanh nghiệp hoặc tổ chức (có hoặc không có Chứng chỉ kiểm toán viên hoặc Chứng chỉ hành nghề kế toán) chịu trách nhiệm thực hiện công việc kế toán của đơn vị đó. Người làm kế toán bao gồm cả người hành nghề kế toán.
  2. Kế toán viên chuyên nghiệp: Là những người có Chứng chỉ hành nghề kế toán của Việt Nam hay của nước ngoài nhưng làm việc trong các doanh nghiệp và tổ chức.
  3. Người hành nghề kế toán: Là những người có Chứng chỉ kiểm toán viên hoặc Chứng chỉ hành nghề kế toán có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán, hành nghề cá nhân hoặc hành nghề trong các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán.
  4. Khách hàng kiểm toán: Là các doanh nghiệp, đơn vị và tổ chức được doanh nghiệp kiểm toán cung cấp dịch vụ kiểm toán theo yêu cầu. Khách hàng kiểm toán còn bao gồm cả các bên có liên quan, nhất là khi khách hàng kiểm toán là công ty niêm yết.
  5. Khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo (dịch vụ kiểm toán): Là các doanh nghiệp và tổ chức được doanh nghiệp kiểm toán cung cấp dịch vụ đảm bảo (dịch vụ kiểm toán) theo yêu cầu.
  6. Kiểm toán viên: Là những người có Chứng chỉ kiểm toán viên nhưng chưa đăng ký hành nghề kiểm toán hoặc đã đăng ký hành nghề kiểm toán nhưng chưa được công ty kiểm toán giao trách nhiệm ký báo cáo kiểm toán (là người có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật cho người hành nghề kiểm toán nhưng chưa được công ty kiểm toán giao trách nhiệm ký báo cáo kiểm toán).

- Kiểm toán viên hành nghề: Là những người có Chứng chỉ kiểm toán viên đã đăng ký hành nghề tại một doanh nghiệp kiểm toán được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và được công ty kiểm toán giao trách nhiệm ký báo cáo kiểm toán.

  1. Kiểm toán viên tiền nhiệm: Là kiểm toán viên hành nghề đã thực hiện hợp đồng kiểm toán hoặc đã thực hiện công việc kế toán, thuế, tư vấn cho khách hàng kỳ trước hoặc các kỳ trước.

- Kiểm toán viên hiện thời: Là kiểm toán viên hành nghề hiện đang thực hiện một hợp đồng kiểm toán hoặc đang thực hiện công việc kế toán, thuế, tư vấn hoặc dịch vụ chuyên nghiệp cho một khách hàng.

- Kiểm toán viên được mời: Là kiểm toán viên hành nghề (Kiểm toán viên hiện thời hoặc kiểm toán viên tiền nhiệm) được khách hàng mời thực hiện các dịch vụ liên quan đến kiểm toán, kế toán, thuế, tư vấn hoặc các dịch vụ tương tự, hoặc người được yêu cầu cung cấp dịch vụ tư vấn nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

- Trợ lý kiểm toán viên: Là những người cùng tham gia nhóm kiểm toán nhưng chưa có Chứng chỉ kiểm toán viên.

  1. Người làm kiểm toán: Là những người gồm: Kiểm toán viên hành nghề, kiểm toán viên và trợ lý kiểm toán.
  2. Nhóm kiểm toán (Nhóm cung cấp dịch vụ đảm bảo): Là nhóm bao gồm:

a)    Kiểm toán viên hành nghề, các kiểm toán viên và trợ lý kiểm toán tham gia hợp đồng kiểm toán (hợp đồng đảm bảo);

b)    Tất cả các nhân viên khác trong công ty kiểm toán có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của báo cáo kiểm toán, gồm:
- Người đề xuất phí kiểm toán hoặc giám sát trực tiếp, quản lý hoặc thực hiện các hoạt động giám sát khác đối với Giám đốc phụ trách hợp đồng đảm bảo trong quá trình thực hiện hợp đồng đảm bảo. Đối với hợp đồng kiểm toán, những người này còn gồm tất cả các nhân viên cấp cao, từ Giám đốc phụ trách cuộc kiểm toán cho tới những người điều hành của công ty kiểm toán;
- Những người tham gia tư vấn về các vấn đề, nghiệp vụ hoặc sự kiện có tính chất kỹ thuật hoặc liên quan đến các chuyên ngành cụ thể của hợp đồng đảm bảo; và
- Những người phụ trách kiểm soát chuyên môn các hợp đồng đảm bảo, kể cả người soát xét quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ.

c)          Đối với khách hàng kiểm toán, nhóm kiểm toán bao gồm tất cả những người trong mạng lưới của công ty có ảnh hưởng trực tiếp đến ý kiến kiểm toán.

- Nhóm cung cấp dịch vụ: Là toàn bộ những người trực tiếp và gián tiếp tham gia thực hiện một dịch vụ, kể cả các chuyên gia do công ty kiểm toán thuê để thực hiện dịch vụ đó.

  1. Lợi ích tài chính: Là các khoản đầu tư về vốn hoặc các chứng khoán, giấy nợ, khoản nợ hoặc các công cụ nợ khác của đơn vị, bao gồm các quyền và nghĩa vụ để mua các khoản lợi ích tài chính đó cũng như các công cụ phát sinh liên quan trực tiếp đến những lợi ích này.
  2. Lợi ích tài chính trực tiếp: Là lợi ích tài chính:

a)    Thu được do sở hữu trực tiếp hoặc do có quyền kiểm soát của một cá nhân hay tổ chức; hoặc

b)    Thu được từ các hình thức sở hữu thông qua việc đầu tư vào quỹ đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản, ủy thác hoặc các hình thức trung gian khác mà cá nhân hoặc tổ chức đó có quyền kiểm soát.

  1. Lợi ích tài chính gián tiếp: Là lợi ích tài chính thu được từ các hình thức sở hữu thông qua việc đầu tư vào quỹ đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản, ủy thác hoặc các hình thức trung gian khác mà cá nhân hoặc tổ chức đó không có quyền kiểm soát.
  2. Mạng lưới công ty: Là các tổ chức chịu sự kiểm soát, quyền sở hữu hoặc quản lý chung của một công ty hoặc bất cứ tổ chức nào mà bên thứ ba dễ dàng kết luận được đó là một phần của công ty trong phạm vi quốc gia hoặc quốc tế, như công ty mẹ, công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện.
  3. Quan hệ gia đình ruột thịt: Là những người trong mối quan hệ: Bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột.

- Quan hệ gia đình trực tiếp: Là vợ, chồng và những người trong mối quan hệ bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột và những người khác chịu sự phụ thuộc về kinh tế.

  1. Quảng cáo: Là hoạt động cung cấp thông tin, hình ảnh tới công chúng về doanh nghiệp và các dịch vụ kế toán, kiểm toán, về kiểm toán viên, người hành nghề kế toán trong thực hành kế toán, kiểm toán và các dịch vụ khác nhằm mục đích lôi kéo khách hàng, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kế toán, kiểm toán.
  2. Sự lôi kéo khách hàng: Là việc một kiểm toán viên hành nghề hoặc người hành nghề kế toán tiếp cận với khách hàng tiềm năng (khách hàng hiện thời của doanh nghiệp kiểm toán khác, doanh nghiệp chưa bao giờ kiểm toán hoặc mới thành lập) nhằm mục đích để được cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán cho khách hàng đó.

- Soát xét quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ: Là quy trình được thiết kế nhằm đánh giá một cách khách quan về các đánh giá quan trọng mà nhóm cung cấp dịch vụ đã thực hiện và các kết quả mà họ đưa ra trong quá trình lập báo cáo kiểm toán trước khi phát hành chính thức.

  1. Tiền của khách hàng: Là bất cứ khoản tiền nào - gồm tiền mặt và các giấy tờ có giá trị, ví dụ trái phiếu, cổ phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác có thể chuyển thành tiền (như trái phiếu có ghi tên) thuộc quyền sở hữu của khách hàng.
  2. Tính độc lập: Tính độc lập bao gồm:

a)    Độc lập về tư tưởng - Là trạng thái suy nghĩ cho phép đưa ra ý kiến mà không chịu ảnh hưởng của những tác động trái với những đánh giá chuyên nghiệp, cho phép một cá nhân hành động một cách chính trực, khách quan và có sự thận trọng nghề nghiệp, và

b)    Độc lập về hình thức - Là không có các quan hệ thực tế và hoàn cảnh có ảnh hưởng đáng kể làm cho bên thứ ba hiểu là không độc lập, hoặc hiểu là tính chính trực, khách quan và thận trọng nghề nghiệp của nhân viên công ty hay thành viên của nhóm cung cấp dịch vụ đảm bảo không được duy trì.

  1. Tính khách quan: Là sự kết hợp giữa tính công bằng, trung thực, tôn trọng sự thật và không có các xung đột về lợi ích.
  2. Nguyên tắc cơ bản của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, gồm:

a)    Độc lập (áp dụng chủ yếu cho kiểm toán viên hành nghề và người hành nghề kế toán);

b)    Chính trực;

c)    Khách quan;

d)    Năng lực chuyên môn và tính thận trọng;

e)    Tính bảo mật;

f)     Tư cách nghề nghiệp;

g)    Tuân thủ chuẩn mực chuyên môn.

  1. Độc lập: Độc lập là nguyên tắc hành nghề cơ bản của kiểm toán viên hành nghề và người hành nghề kế toán.

Trong quá trình kiểm toán hoặc cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán viên hành nghề và người hành nghề kế toán phải thực sự không bị chi phối hoặc tác động bởi bất kỳ lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào làm ảnh hưởng đến sự trung thực, khách quan và độc lập nghề nghiệp của mình.

Kiểm toán viên hành nghề và người hành nghề kế toán không được nhận làm kiểm toán hoặc làm kế toán cho các đơn vị mà mình có quan hệ kinh tế hoặc quyền lợi kinh tế như góp vốn, cho vay hoặc vay vốn từ khách hàng, hoặc là cổ đông chi phối của khách hàng, hoặc có ký kết hợp đồng gia công, dịch vụ, đại lý tiêu thụ hàng hóa.

Kiểm toán viên hành nghề và người hành nghề kế toán không được nhận làm kiểm toán hoặc làm kế toán ở những đơn vị mà bản thân có quan hệ gia đình ruột thịt (như có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột) là người trong bộ máy quản lý diều hành (Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, kế toán trưởng, các trưởng, phó phòng và các cấp tương đương) trong đơn vị khách hàng.

Kiểm toán viên hành nghề không được vừa làm dịch vụ kế toán, như ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán nội bộ, định giá tài sản, tư vấn quản lý, tư vấn tài chính, vừa làm dịch vụ kiểm toán cho cùng một khách hàng. Ngược lại, người làm dịch vụ kế toán không được làm kiểm toán cho cùng một khách hàng.

Trong quá trình kiểm toán hoặc cung cấp dịch vụ kế toán, nếu có sự hạn chế về tính độc lập thì kiểm toán viên hành nghề, người hành nghề kế toán phải tìm mọi cách loại bỏ sự hạn chế này. Nếu không thể loại bỏ được thì phải nêu rõ điều này trong Báo cáo kiểm toán hoặc Báo cáo dịch vụ kế toán.

  1. Chính trực: Người làm kế toán và người làm kiểm toán phải thẳng thắn, trung thực và có chính kiến rõ ràng.
  2. Khách quan: Người làm kế toán và người làm kiểm toán phải công bằng, tôn trọng sự thật và không được thành kiến, thiên vị.
  3. Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Người làm kế toán và người làm kiểm toán phải thực hiện công việc kiểm toán, kế toán với đầy đủ năng lực chuyên môn cần thiết, với sự thận trọng cao nhất và tinh thần làm việc chuyên cần. Kiểm toán viên có nhiệm vụ duy trì, cập nhật và nâng cao kiến thức trong hoạt động thực tiễn, trong môi trường pháp lý và các tiến bộ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu công việc.
  4. Tính bảo mật: Người làm kế toán và người làm kiểm toán phải bảo mật các thông tin có được trong quá trình kiểm toán; không được tiết lộ bất cứ một thông tin nào khi chưa được phép của người có thẩm quyền, trừ khi có nghĩa vụ phải công khai theo yêu cầu của pháp luật hoặc trong phạm vi quyền hạn nghề nghiệp của mình.
  5. Tư cách nghề nghiệp: Người làm kế toán và người làm kiểm toán phải trau dồi và bảo vệ uy tín nghề nghiệp, không được gây ra những hành vi làm giảm uy tín nghề nghiệp.
  6. Tuân thủ chuẩn mực chuyên môn: Người làm kế toán và người làm kiểm toán phải thực hiện công việc kế toán, kiểm toán theo những kỹ thuật và chuẩn mực chuyên môn đã quy định trong chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, quy định của Hội nghề nghiệp và các quy định pháp luật hiện hành.
  7. Mục tiêu và các nguyên tắc cơ bản của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán là đưa ra các quy định nhằm để giải quyết các vấn đề về đạo đức của người làm kế toán và người làm kiểm toán trong các trường hợp cụ thể. Các quy định trong Chuẩn mực này cung cấp các hướng dẫn về mục tiêu và các tiêu chuẩn phổ biến để áp dụng trong hành nghề đối với các trường hợp điển hình cụ thể xảy ra trong nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Chuẩn mực này chỉ quy định và hướng dẫn phương pháp tiếp cận chứ không liệt kê tất cả các trường hợp có thể gây ra nguy cơ không tuân thủ và các biện pháp xử lý cần thực hiện.
  8. Nội dung Chuẩn mực này gồm 3 phần sau:

a)    Phần A: Áp dụng cho tất cả người làm kế toán và người làm kiểm toán;

b)    Phần B: Áp dụng cho kiểm toán viên hành nghề, nhóm kiểm toán và công ty kiểm toán;

c)    Phần C: Áp dụng cho người có Chứng chỉ kiểm toán viên hoặc Chứng chỉ hành nghề kế toán đang làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức.

Tuỳ theo hoạt động thực tế, một người có thể vừa phải tuân thủ các quy định tại Phần A vừa phải tuân thủ các quy định ở Phần B hoặc Phần C. Ví dụ: Một người có Chứng chỉ kiểm toán viên, nếu cung cấp dịch vụ kiểm toán thì phải thực hiện quy định tại Phần A và quy định tại Phần B, nếu làm kế toán trong các doanh nghiệp, tổ chức thì phải thực hiện quy định tại Phần A và quy định tại Phần C.
Xem thêm tại: Quyet Dinh 87 chuan muc dao duc nghe nghiep.doc